MÙA SEN NGẬP TRÀN, DÙNG LÁ SEN NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG CÁCH

Lá sen thường được mua về để làm trà uống giúp giảm cân, làm đẹp da.

Mùa sen đã về, các chị em lại rủ nhau mua từng bó hoa sen về để trang hoàng nhà cửa, mua hạt sen để nấu chè cho cả nhà nhâm nhi ngày nóng. Còn lá sen thì được mua về để làm trà uống giúp giảm cân, làm đẹp da. Tuy nhiên, việc sử dụng trà lá sen cũng phải rất thận trọng, không phải bất cứ ai cũng có thể dùng được loại trà này.

Chị Bình Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn tự ti vì vòng 2 to quá khổ. Đầu mùa sen, chị nghe lời khuyên của một số người tìm mua 2kg lá sen non phơi khô về để hãm nước uống giảm béo. Chị nghĩ uống càng nhiều nước thì sẽ giảm được càng nhiều mỡ nên dùng trà lá sen thay uống nước lọc, mỗi ngày đều hãm 1 nắm lá to.

Nhưng sau hơn 1 ngày uống trà lá sen thì chị Hạnh thấy chóng mặt, đau đầu, tim đập nhanh. Đặc biệt, đến ngày hành kinh thì chị thấy máu ra ít, căng tức bụng dưới. Chị đi khám thì bác sĩ bảo bị hạ huyết áp do lạm dụng trà sen trong nhiều ngày liền.

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, lá sen vốn là vị thuốc có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Chúng có vị đắng, tính mát, có tác dụng chữa say nắng, hạ huyết áp, an thần, nôn ra máu, máu không lưu thông, có thể dùng để trị bệnh viêm ruột, chảy máu dạ dày, chảy máu cam, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm đau, chống ho, giúp ổn định đường huyết…

Mặc dù lá sen có nhiều công dụng tốt như vậy nhưng nếu không biết cách sử dụng sẽ khiến việc dùng trà lá sen làm hại đến sức khỏe.

Lương y cho biết: “Lá sen có khả năng cầm máu, chữa các bệnh chỉ huyết, có thể tác động đến cơ trơn nếu uống nhiều và không có liều lượng. Vậy nên những ai đang bị hành kinh, phụ nữ đang mang thai không nên uống loại trà này, mặc dù chúng có khả năng an thần tốt”.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết thêm, lá sen vốn là vị thuốc trị rong kinh, khi kết hợp lá sen, đài sen, bách diệp, cỏ mực với liều lượng nhất định có thể chữa được bệnh rong kinh. Ngược lại, lá sen cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc hành kinh của người bình thường. Lương y cũng chia sẻ: “Vốn lá sen có khả năng làm giãn cơ trơn trong khi đó cơ trơn ở cổ tử cung phải co bóp mới có thể đưa máu kinh ra ngoài. Uống trà lá sen nhiều làm cơ giãn hạn chế co bóp, ảnh hưởng đến việc hành kinh bình thường”.

Ngoài ra, lá sen có tác dụng hạ huyết áp vậy nên những người muốn giảm cân nhưng bị huyết áp thấp nên tránh dùng nếu không sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn. Ngoài ra, loại thảo dược này còn có tác dụng làm cường tim nhưng nếu dùng quá liều trong thời gian dài sẽ khiến tim đập thất thường, không tốt cho sức khỏe.

Nói về việc pha chế, sử dụng trà lá sen đúng cách, lương y Đức Nghĩa cho hay, dân gian từ trước đến nay vẫn thường hãm lá sen tươi hoặc khô với nước nóng hoặc sắc lên để uống, nhưng các chị em nên cẩn trọng khi sử dụng các loại lá sen khô và tươi mua ngoài chợ. Nếu dùng lá sen khô nên tìm chỗ mua đảm bảo, tránh sử dụng phải loại không đảm bảo chất lượng, chứa chất bảo quản. Đối với những người tìm mua lá sen tươi hoặc tự tay thu hái thì nên chọn lá sen non hoặc bánh tẻ, tránh mua lá sen già. Khi nấu phải rửa sạch, chọn thu hái ở những đầm sạch, không ô nhiễm.

Nói về tác dụng thanh nhiệt của lá sen, lương y chia sẻ: “Mặc dù tính bình nhưng lá sen dùng thanh nhiệt, an thần, chữa mất ngủ tốt. Trong lá sen có chứa chất có thể làm ức chế các tế bào thần kinh vùng vỏ não, giúp kéo dài giấc ngủ lâu hơn. Tuy nhiên, đối với những người bị nóng thì có thể uống trà lá sen để giải nhiệt, nhưng những người bị hàn thì nên hạn chế vì uống nhiều có thể bị lạnh bụng dẫn đến tiêu chảy”.

Về liều lượng sử dụng lá sen, lương y cho biết, mỗi ngày các chị em chỉ nên hãm, nấu hoặc sắc 1 lá sen với 500ml nước để dùng. Có thể chia làm hai lần uống trước và sau bữa ăn.

Sưu tầm: Ds Bùi Ngoan

Trả lời